Isoflavone có nhiều trong các loại thực phẩm quen thuộc, là một phytoestrogen được quan tâm nghiên cứu gần đây. Isoflavone qua những nghiên cứu sẵn có cho thấy có nhiều tiềm năng đối với sức khỏe con người nói chung và vấn đề nội tiết của phụ nữ nói riêng.
1. Isoflavone là gì?
Isoflavone là một nhóm chất phytoestrogen (estrogen có nguồn gốc từ thực vật), được tìm thấy chủ yếu trong cây họ đậu. Các nhóm chất phytoestrogen khác bao gồm lignan và coumestan. Isoflavone quy tụ những đặc tính rất đặc biệt, là nhóm chất phytoestrogen được chú ý nhất bởi ẩn chứa những hoạt tính giống như estrogen và những lợi ích rộng rãi đối với sức khỏe con người.
Đậu nành là nguồn thực phẩm giàu isoflavone. Bên cạnh việc là nguồn protein giàu chất xơ và chất béo không bão hòa đa, đậu nành chứa lượng lớn genistein và daidzein, là những isoflavone hoạt động như những chất đồng vận và đối vận estrogen (natural selective estrogen receptor modulators – SERMs). Trong 1g protein đậu nành có từ 2 tới 4 mg isoflavone.
Bên cạnh nguồn isoflavone từ thực phẩm, ngày nay isoflavone đã được tinh chế và đưa ra thị trường dưới dạng viên uống.
2. Isoflavone và bệnh động mạch vành
Vai trò của estrogen trong việc phòng tránh bệnh lý tim mạch còn có những ý kiến trái chiều, và người ta hy vọng có thể sử dụng một hợp chất tự nhiên tương tự estrogen để có thể phòng ngừa bệnh động mạch vành – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ sau mãn kinh.
Một phân tích tổng hợp dựa trên 38 thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát đã cho thấy tiêu thụ đậu nành làm giảm nồng độ cholesterol tổng số, LDL cholesterol, và triglyceride một cách có ý nghĩa. Crouse và cộng sự nghiên cứu trên 94 nam giới và 62 nữ giới được lựa chọn ngẫu nhiên cho kết quả lượng isoflavone trong protein đậu nành được tiêu thụ càng nhiều thì nồng độ cholesterol tổng số và LDL cholesterol càng giảm, và liều isoflavone mang lại hiệu quả cao nhất cũng là liều lớn nhất được sử dụng trong nghiên cứu (58 mg).
Nghiên cứu của Potter và cộng sự cũng đưa ra kết quả tương tự. Tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol tổng số và LDL cholesterol của isoflavone đậu nành cũng tương tự như liệu pháp estrogen thay thế; tuy nhiên isoflavone đậu nành không có khả năng làm tăng HDL cholesterol hay triglyceride. Liều isoflavone đậu nành tối ưu sử dụng trên người chưa được xác định cụ thể. Viên isoflavone tinh chế không có hiệu quả làm giảm nồng độ cholesterol tổng số và LDL cholesterol như isoflavone đậu nành.
Liệu pháp estrogen thay thế gắn liền với tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, do đó việc sử dụng isoflavone đậu nành được mang nhiều kì vọng. Một nghiên cứu trên các phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh cho thấy uống 80mg isoflavone mỗi ngày có tác dụng cải thiện hệ thống động mạch tương tự như sử dụng estrogen.
3. Isoflavone và loãng xương
Lợi ích của liệu pháp estrogen thay thế trong việc phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh đã được biết rõ. Ở các phụ nữ mãn kinh, liệu pháp estrogen thay thế làm tăng tỷ trọng khoáng chất trong xương. Các nghiên cứu trên động vật đã gợi ý sử dụng isoflavone có thể mang lại hiệu quả như estrogen. Tuy nhiên những nghiên cứu trên người còn chưa đầy đủ, ngắn hạn và thực hiện trên mẫu nhỏ. Potter và cộng sự đã thử nghiệm và cho kết quả sử dụng sản phẩm đậu nành làm giàu isoflavone trong 6 tháng ở phụ nữ mãn kinh có tác dụng rõ rệt làm tăng tỉ trọng khoáng chất trong xương cột sống.
Liều sử dụng là 55,6 mg và 90mg, tuy nhiên hiệu quả chỉ đạt được ở liều 90mg, chưa loại trừ lí do vì thời gian nghiên cứu ngắn nên chưa ghi nhận được tác dụng ở liều thấp hơn. Kết quả sơ bộ của những nghiên cứu gần đây ở những phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh cho thấy hiệu quả rõ ràng của isoflavone (chiết tách từ hạt của cỏ ba lá) trong việc ngăn chặn sự mất tỉ trọng khoáng chất trong xương cột sống, tuy nhiên cần thêm nhiều thử nghiệm nghiên cứu dài hạn hơn nữa để xác định kết quả, sự an toàn, hiệu lực, cũng như liều tối ưu sử dụng trên con người.
4. Isoflavone và hệ thần kinh trung ương
Sự suy giảm trí nhớ và nhận thức xung quanh thời điểm mãn kinh gợi ý mối liên quan giữa nồng độ các nội tiết tố sinh dục và tình trạng nhận thức ở các phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Một nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của estradiol và phytoestrogen đậu nành lên choline acetyltransferase (CHAT) và RNA thông tin của nhân tố tăng trưởng thần kinh (nerve growth factor messenger RNA) vùng vỏ não trước và hồi hải mã trên chuột cái được thực hiện bởi Pan và cộng sự cho thấy, phytoestrogen đậu nành hoạt động tương tự như estrogen và làm tăng CHAT cũng như RNA thông tin của nhân tố tăng trưởng thần kinh. Điều này có nghĩa phytoestrogen đậu nành có thể hoạt động như chất đồng vận estrogen ở não bộ của chuột cái.
5. Các ảnh hưởng về nội tiết khác của isoflavone đậu nành
Một nghiên cứu gần đây được Duncan và cộng sự thực hiện nghiên cứu tác động về mặt nội tiết của việc bổ sung isoflavone đậu nành liều cao (2 mg/kg) và liều thấp (1 mg/kg) trên 18 phụ nữ mãn kinh trong khoảng thời gian 93 ngày. Các nội tiết tố chứng bao gồm estrogen, androgen, gonadotropin, SHBG, prolactin, insulin, cortisol và các nội tiết tố tuyến giáp.
Liều cao isoflavone làm tăng nhẹ SHBG và giảm nhẹ estrone sulfate, estradiol và estrone, nhưng đều ở mức có ý nghĩa. Trong một nghiên cứu khác của cùng tác giả trên 14 phụ nữ tiền mãn kinh trong 3 chu kì kinh sử dụng isoflavone đậu nành ở liều chứng, liều thấp và liều cao cho thấy, liều thấp làm giảm nồng độ LH và FSH ở giai đoạn nang, liều cao làm giảm FT3 và dehydroepiandrosterone ở giai đoạn nang noãn sớm, và giảm estrone ở giữa giai đoạn nang noãn. Thời gian của chu kì kinh không bị thay đổi.
Một nghiên cứu kiểm soát giả dược ngẫu nhiên khác trên 145 phụ nữ tiền mãn kinh trong 12 tuần sử dụng chế độ ăn giàu phytoestrogen cho kết quả làm tăng nồng độ SHBG.
Tuy nhiên không phải các nghiên cứu đều cho kết quả đồng nhất, và Baird cùng cộng sự đã không quan sát thấy sự thay đổi của FSH và LH ở phụ nữ mãn kinh trong nghiên cứu của mình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả trái chiều, trong đó có thể kể đến số mẫu nhỏ, thời gian nghiên cứu khác nhau,…